Than – Khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn trong sản xuất. Khi giá nhiên liệu, động lực đầu vào phục vụ cho sản xuất biến động sẽ tác động nhiều đến hoạt động sản xuất của các đơn vị. Do vậy, các đơn vị đã có nhiều giải pháp phù hợp để duy trì ổn định sản xuất, trong đó tiết kiệm động lực là một trong những biện pháp được quan tâm hàng đầu.
Trong bối cảnh điều kiện khai thác của các đơn vị ngày càng xuống sâu, áp lực mỏ lớn, khí và nước nhiều, cung độ vận chuyển, hệ số bốc đất và đào lò tăng, làm cho chi phí sản xuất tăng. Mặt khác các chi phí về thăm dò, bảo hộ an toàn lao động, bảo vệ môi trường, thuế, phí cũng có xu hướng tăng làm cho giá thành tăng. Đặc biệt, đối với việc chi phí động lực đầu vào tăng giá đã buộc các đơn vị sản xuất phải tính toán kỹ hơn đến biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, động lực một cách tối đa để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Xác định rõ là một trong những ngành sản xuất có mức tiêu hao nhiên liệu, động lực lớn nên Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất bằng kế hoạch triển khai, cơ chế thưởng phạt cho các bộ phận và cá nhân về thực hiện tiết kiệm nhiên liệu. Tập đoàn thường xuyên kiểm tra, theo dõi đánh giá tình hình sử dụng năng lượng đồng thời đẩy mạnh soạn thảo tài liệu hướng dẫn tuyên truyền về tiết kiệm nhiên liệu, động lực…
Thực tế bài toán tiết kiệm nhiệm nhiên liệu, động lực trong sản xuất đã được Tập đoàn quan tâm đến từ nhiều năm trước đây. Tập đoàn đã tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng tiết kiệm điện tại các đơn vị khai thác chính. Theo đó, kết quả cho thấy, tại khối các hầm lò có thể còn tiết kiệm hơn 28,6 triệu kWh/năm (khoảng 10,8% lượng điện tiêu thụ), tương đương 31,5 tỷ đồng. Các đơn vị khối sản xuất than lộ thiên có thể tiết kiệm gần 18 triệu kWh/năm (khoảng 13,7% lượng điện tiêu thụ), tương đương 19,8 tỷ đồng; các đơn vị khối sàng tuyển có thể tiết kiệm gần 5,434 triệu kWh (khoảng 10,5% lượng điện tiêu thụ), tương đương 6 tỷ đồng/năm; các đơn vị cơ khí có thể tiết kiệm gần 1,98kWh/năm (khoảng 11% điện tiêu thụ), tiết kiệm chi phí khoảng 2,1 tỷ đồng/năm. Hay các đơn vị luyện kim có thể tiết kiệm 6% điện năng tiêu thụ, tương đương 2,64 triệu kWh điện…
Sau khi khảo sát, các giải pháp đã được đề xuất áp dụng để thực hiện tiết kiệm điện là: cải tạo hệ thống điều khiển của máy xúc EKG 4,6 (5A); đầu tư hệ thống giám sát điện năng tự động; đầu tư thiết bị truyền động cho hệ thống bơm thoát nước mỏ; đầu tư các thiết bị truyền động điện cho các tuyến băng tải, máy khoan xoay cầu, máy nén khí, quạt gió, các thiết bị cân bằng pha nâng hiệu suất của máy biến áp; hệ thống chiếu sáng; các thiết bị nâng hạ; thay thế động cơ hiệu suất thấp bằng động cơ hiệu suất cao… Nhiều đơn vị đã áp dụng mang lại hiệu quả đáng kể.
Một trong những biện pháp quan trọng đã và đang được toàn Tập đoàn triển khai thực hiện trong tiết kiệm điện đó là nâng cấp điện áp ở các trạm biến áp khu vực sản xuất than chủ lực từ 380V lên 660V hoặc từ 660V lên 1.140V. Các đơn vị khai thác hầm lò đã chuyển đổi sang sử dụng cấp điện áp 660V trở lên đối với các thiết bị trong hầm lò.
Ngoài ra, phương pháp biến tần, khởi động mềm nhằm tiết kiệm điện cũng đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều đơn vị. Đến nay, hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn đã áp dụng các thiết bị hỗ trợ biến tần hoặc khởi động mềm vào hệ thống các thiết bị nhằm tiết kiệm điện năng trong sản xuất. Nhiều đơn vị đã sớm áp dụng biện pháp này như các công ty Than Mông Dương, Than Hà Lầm, Than Vàng Danh; Than Khe Chàm, Than Thống Nhất, v.v. Những đơn vị này thường sử dụng nhiều thiết bị vận tải như máng cào, băng tải; các loại quạt gió, bơm nước…, trong khi số lần khởi động nhiều.
Thực tế từ các đơn vị cho thấy khi áp dụng hiệu quả tiết kiệm khá cao. Khởi động mềm thay thế các điều khiển sao – tam giác truyền thống và rất thích hợp cho các ứng dụng bơm, quạt li tâm, máng cào, băng tải để hạn chế dòng khởi động. Đây là giải pháp kinh tế nhất để khởi động hoặc dừng động cơ công suất lớn nhờ giảm ảnh hưởng đến nguồn cung cấp (dòng đỉnh và sụt áp khi khởi động); Bảo vệ tránh chạy không tải, mất hoặc ngược pha, quá tải động cơ, kẹt cơ khí. Biến tần làm thay đổi tần số điện áp cấp nguồn cho động cơ nhằm điều chỉnh tốc độ phù hợp với các yêu cầu của hệ truyền động. Ngoài các ưu điểm như khởi động mềm, biến tần còn có những tính năng ưu việt khác như: Điều chỉnh lưu lượng và áp suất ở mức yêu cầu; Hiệu suất cao hơn trong chế độ làm việc liên tục; tự động hóa hoàn toàn. Đặc biệt là tiết kiệm điện năng đáng kể. Theo tính toán, với động cơ có hiệu suất 95%, điện năng tiết kiệm được tối đa đạt 2,5%.