Đối với máy ép nhựa, chúng ta có thể lắp biến tần cho bơm thủy lực chính giúp mang lại hiệu quả tiết kiệm điện từ 10 – 40% tùy theo máy và loại sản phẩm, sản phẩm càng lớn hay thời gian nghỉ càng dài thì mức tiết kiệm càng lớn. Để lắp đặt thành công ứng dụng này nghĩa là đạt hiệu quả tiết kiệm cao mà không ảnh hưởng năng suất sản xuất, bắt buộc phải sử dụng tín hiệu Analog trên máy thường là 0 – 1A. trên đa số máy ép nhựa đều có 2 đường tín hiệu analog để điều khiển lưu lượng và áp suất dầu thủy lực. Trong quá trình hoạt động của máy, đa số thời gian tín hiệu lưu lượng sẽ lớn hơn tín hiệu áp suất, chỉ trong quá trình kẹp khuôn hay chờ làm nguội thì tín hiệu áp suất lớn hơn tín hiệu lưu lượng.
Vấn đề là bạn phải so sánh để biết khi nào biến tần chạy theo tín hiệu lưu lượng và khi nào chạy theo tín hiệu áp suất. Đối với các loại biến tần Trung Quốc hoặc Đài Loan thì nhà sản xuất có tích hợp sẵn chức năng trong biến tần chuyên dụng hoặc card mở rộng chuyên cho ứng dụng này. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng các loại biến tần của Châu Âu như biến tần Danfoss thì cần mua thêm bộ Controller (chỉ khoản 150USD). Chức năng của bộ Controller này cũng đơn giản vì nó chỉ đọc 2 tín hiệu lưu lượng và áp suất rồi so sánh và xuất ra tín hiệu 4 – 20mA cho biến tần đáp ứng theo. Việc còn lại của bạn là cài đặt biến tần chạy theo tín hiệu output của Controller, chú ý scale tín hiệu hợp lý và đặt tốc độ nền thích hợp để tránh sốc khi tăng tốc quá đột ngột. Theo kinh nghiệm của tôi, khi lắp biến tần ứng dụng này thì nên chọn các loại biến tần có tốc độ đáp ứng nhanh ví dụ: dòng Automation drive FC360 của Danfoss vì đối với các máy ép có chu kỳ dưới 2 phút thì gần như biến tần sẽ phải thay đổi tốc độ liên tục.
Một lưu ý khác là tín hiệu 0 – 1A là tín hiệu dòng nên khi đấu tín hiệu vào Controller, bạn phải đấu nối tiếp để không làm suy giảm tín hiệu điều khiển van tỉ lệ (áp suất/lưu lượng), đồng thời bạn nên chọn biến tần có tích hợp sẵn bộ lọc RFI chống nhiễu hoặc bạn phải thực hiện việc chống nhiễu thật tốt. Và vì môi trường làm việc tại máy ép nhựa thường có bụi nhiều và nhiệt độ cao nên các loại biến tần được chọn nên có lớp phủ board bảo vệ hoặc cũng có thể chọn biến tần loại IP54 trở lên.
Trên đây là kinh nghiệm và giải pháp tôi đã chọn. ngoài ra, tôi cũng đã gặp trường hợp không không sử dụng Controller điều khiển theo tín hiệu analog mà lại dùng tín hiệu On/Off trên van điều khiển đóng mở khuôn. Khi dùng phương pháp này, các bạn bắt buộc phải giảm thời gian tăng tốc và giảm tốc của biến tần rất ngắn nên dễ xảy ra báo lỗi quá dòng mà động cơ cũng bị ảnh hưởng tuổi thọ nữa.
Trường hợp máy ép nhựa của bạn có hơn 2 kênh analog thì vẫn có thể chọn mua Controller 3 hoặc 4 kênh. Nếu máy có 2 hay 3 bơm thì bơm phụ sẽ được kích hoạt theo tín hiệu On/Off trên board chính của máy, tốc độ bơm phụ sẽ bằng với tốc độ bơm chính (tùy theo mạch thủy lực của máy).