Điều hòa biến tần có thực sự tiết kiệm điện?

Một trong những tiêu chí ưu tiên khi mua sắm điều hòa nhiệt độ dùng trong gia đình là tiết kiệm điện. Và như một quy định bất thành văn, giờ đây điều hòa tiết kiệm điện được gắn liền với điều hòa biến tần. Nhưng liệu điều hòa biến tần gia dụng có thực sự tiết kiệm điện?

Vào một ngày đầu tháng Năm nóng nực, tại siêu thị điện máy Pico (Nguyễn Trãi, Hà Nội), một khách hàng trung niên, dáng vẻ là một doanh nhân đến thẳng chỗ bày điều hòa Daikin hỏi mua loại biến tần. Sau khi giao dịch mua bán diễn ra xong, phóng viên VnReview đã hỏi ông tại sao lại chọn điều hòa biến tần?

“Vì nó tiết kiệm điện”, ông khách hàng nói một cách chắc chắn. “Tôi biết, công suất điện điều hòa biến tần thấp hơn điều hòa không biến tần“.

Đến khi được phóng viên VnReview chỉ cho hai mẫu điều hòa thương hiệu khác nhau, có cùng công suất làm lạnh 24.000 BTU/h nhưng công suất điện tiêu thụ điều hòa không biến tần lại thấp hơn, người khách hàng này quả quyết: “Tôi biết điều hòa biến tần tiết kiệm điện hơn, còn tiết kiệm như thế nào tôi không quan tâm”.

Theo quảng cáo, điều hòa biến tần có thể tiết kiệm điện từ 30%, thậm chí đến 60% điện năng sử dụng so với điều hòa không biến tần. Trên mạng, từ cách đây hai năm, dân tình đã lên cơn sốt về điều hòa biến tần. Người đã dùng điều hòa biến tần cam đoan điều hòa này tiết kiệm điện, đến hơn 1/3 hóa đơn điện so với chưa dùng điều hòa biến tần. Người đang định mua điều hòa muốn nhờ tư vấn mua điều hòa thì hầu hết đều được khuyên mua điều hòa biến tần vì nó tiết kiệm điện.

Với giá bán đắt, lắp đặt đắt hơn so với điều hòa không biến tần, vậy thực tế, điều hòa biến tần có khả năng kỳ diệu đó không? có nên mua điều hòa biến tần không? là câu hỏi mà không ít người tiêu dùng đang băn khoăn.

Nhóm phóng viên VnReview đã tìm hiểu, tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, gặp gỡ người dùng và chuyên gia để giải đáp từng thắc mắc này.

Tiết kiệm điện vs không tiết kiệm điện

Qua khảo sát người dùng thực tế và bình luận của người dùng trên mạng về điều hòa biến tần, chúng tôi thấy có nhiều ý kiến khác nhau: Hầu như các diễn đàn mạng lớn đều có nhiều chủ đề thảo luận về điều hòa biến tần, trong đó phần lớn cộng đồng mạng nhắc đến điều hòa biến tần, khen ngợi sử dụng điều hòa biến tần tiết kiệm điện. Trong khi đó, qua phỏng vấn những người dùng thực tế điều hòa biến tần thì có người không dám chắc là có tiết kiệm hay không, có người bảo tiền điện hàng tháng “same same”, không có khác biệt và có người bảo hóa đơn điện có giảm.

Thành viên lanntm trên diễn đàn webtretho.com cho biết gia đình chị tối nào cũng dùng điều hòa Daikin loại biến tần thì hóa đơn tiền điện hàng tháng là 200.000 đồng. Trước đó, khi còn dùng điều hòa không biến tần của Samsung thì hóa đơn điện là 400.000 đồng! Như vậy, có nghĩa nhờ sử dụng điều hòa biến tần, gia đình chị đã tiết kiệm được 1/2 tiền điện hàng tháng so với trước.

Còn thành viên bohaicongai của webtretho cho biết dùng điều hòa inverter ngày 9-10 tiếng liên tục thì tiền điện giảm 30% so với trước đây dùng điều hòa không biến tần cũng với thời lượng tương tự.

Thành viên technology83 của diễn đàn Tinh Tế thì phán:biến tần tiết kiệm điện hơn loại thường nhiều” vì“tiền mua máy lạnh chỉ bằng 1/4 tiền điện” dùng cho máy lạnh thôi. Cho nên, theo tính toán của thành viên này, nếu mua điều hòa không biến tần thì tiết kiệm 2-3 triệu đồng lúc mua nhưng sau này tiền điện mỗi năm bạn phải trả thêm 3-4 triệu đồng. Hỏi đầu tư cho điều hòa biến tần và không biến tần cái nào hơn?

159526

Ngoài tiết kiệm điện, trên mạng các thành viên diễn đàn còn khen ngợi điều hòa biến tần chạy êm, mát sâu, đều khắp trong phòng.

Tuy nhiên, trên các diễn đàn thấy có lác đác một số ý kiến lưu ý rằng điều hòa biến tần chỉ tiết kiệm điện với điều kiện sử dụng liên tục, tối thiểu ngày 8-10 tiếng và phòng đạt chuẩn nhưng lại không nêu rõ phòng đạt chuẩn như thế nào.

Qua thực tế phỏng vấn người dùng, việc đánh giá mức tiết kiệm điện do sử dụng điều hòa biến tần chỉ mang tính ước lệ hoặc cảm tính.

Như trường hợp chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (ngõ Gốc Đề, Minh Khai, Hà Nội) chẳng hạn. Nhà chị Tú xây 3 tầng kiên cố, trong đó chỉ 1 phòng ngủ có lắp điều hòa. Chị Tú cho biết đến năm ngoái, nhà chị mới bỏ đi chiếc điều hòa Nagakawa 1 chiều, công suất lạnh 12.000 BTU/h vì máy quá cũ và mới đây đã thay bằng chiếc điều hòa biến tần của Daikin có công suất 12.000 BTU/h.

Khi dùng điều hòa Nagakawa, vào thời điểm hè năm ngoái, trung bình nhà chị Tú phải trả hóa đơn điện khoảng 550.000 đồng đối với tháng dùng điều hòa liên tục vào các buổi tối (từ 21 giờ đêm đến 2-3 giờ sáng hôm sau, những ngày mát mẻ không bật). Tháng gần đây nhất nhà chị Tú dùng điều hòa là tháng Tư, hóa đơn điện phải thanh toán là gần 430.000 đồng. Tuy nhiên, chị Tú cho biết thời gian dùng điều hòa không nhiều như tháng cao điểm năm ngoái cho nên số tiền tiết kiệm được này cũng chưa thể kết luận là do sử dụng điều hòa biến tần.

“Nhưng tôi thấy dùng điều hòa biến tần có lẽ đỡ tốn điện hơn. Máy chạy cũng êm hơn”, chị Tú nói.

Khác với chị Tú có “cảm thấy” điều hòa biến tần tiết kiệm điện hơn, chị Vũ Bình Minh (Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) lại cho biết sự khác biệt về tiết kiệm điện giữa điều hòa biến tần và không biến tần chẳng đáng là bao.

Chị Minh kể: “Gia đình tôi trước sử dụng hai điều hòa LG 1 chiều 12.000 BTU và Mitsubishi 1 chiều 12.000 BTU nhưng sau đó do sửa lại nhà và hai máy điều hòa trên đã cũ nên bán đi thay mới hai chiếc điều hòa Daikin biến tần 1 chiều 12.000 BTU do có người quen là thợ lắp đặt điều hòa tư vấn điều hòa Daikin biến tần tiết kiệm điện hơn so với các hãng khác. Trong quá trình sử dụng tôi nhận thấy hóa đơn tiền điện giữa các tháng dùng điều hòa cũ và Daikin biến tần không quá chênh lệch, cũng có tháng tiền điện giảm hơn một ít với mức sử dụng điều hòa không thay đổi”.

Trong khi đó, anh Dương Việt Hà, Công ty tư vấn thiết kế Cầu đường (thuộc TCT Tedi) với hy vọng tiết kiệm hóa đơn điện, năm ngoái anh đã chi 14 triệu đồng để mua 1 chiếc điều hòa biến tần của một thương hiệu nổi tiếng. Người kỹ sư 33 tuổi này cho rằng điều hòa biến tần tiết kiệm điện về lâu dài sẽ không chỉ bù đắp cho phí tổn ban đầu mua máy giá đắt hơn mà cả nhiều năm sau nữa. Do đó, cứ buổi tối về đến nhà, anh lại bật điều hòa trong phòng ngủ cho đến khi rời khỏi phòng ngủ buổi sáng hôm sau. Trước đó, chỉ những đêm nào quá nóng, khoảng 38oC trở lên, gia đình anh mới bật điều hòa. Tuy nhiên, sau hết mùa hè năm ngoái, hóa đơn điện nhà anh vẫn ở con số gần 400 số điện, khoảng hơn 600.000 đồng/tháng.

“Vậy lắp điều hòa nhiệt độ biến tần có tác dụng thế nào?”, anh Việt Hà than thở.

Một điểm chung ở ba người dùng thực tế là tất cả đều chỉ biết điều hòa biến tần là tiết kiệm điện chứ không hiểu tại sao nó lại tiết kiệm điện hay tiết kiệm điện như thế nào.

Điều hòa inverter: tiết kiệm điện nhưng không như quảng cáo

Mang theo câu hỏi nói trên của anh Việt Hà cũng như nhiều người dùng khác, phóng viên VnReview đã gõ cửa Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam – một hiệp hội ngành nghề bao gồm nhiều chuyên gia trong ngành lạnh và điều hòa.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội là một người cởi mở và thân thiện. Ông nói người mua sắm điều hòa nhiệt độ hiện nay chịu một sự thiệt thòi lớn là không có cách nào kiểm chứng công suất làm lạnh của điều hòa ngoài việc chỉ biết dựa vào thông số của nhà sản xuất đưa ra. Bên cạnh đó, xét về mức độ tiết kiệm điện thì chưa đo đếm đuợc vì phụ thuộc vào chế độ vận hành của máy. Tại Việt Nam cũng chưa có điều kiện đo kiểm chính xác điều hòa công nghệ này tiết kiệm điện bao nhiêu so với điều hoà công nghệ khác.

Mặc dù công nhận điều hòa biến tần có tiết kiệm điện nhưng TS. Nguyễn Xuân Tiên khẳng định không thể tiết kiệm điện đến 60% như quảng cáo. Ngoài ra, điều hòa biến tần có tiết kiệm điện được hay không phụ thuộc vào thói quen sử dụng, nhiệt độ môi trường bên ngoài.

“Điều hòa biến tần cũng như điều hòa thông thường đều hoạt động theo nguyên tắc chung của chu trình máy lạnh nén hơi. Khả năng làm lạnh hay năng suất lạnh của máy phụ thuộc vào điều kiện vận hành: nhiệt độ/độ ẩm trong nhà, nhiệt độ/độ ẩm ngoài trời… Năng suất lạnh ghi trên máy là do nhà sản xuất đưa ra, xác định trong một điều kiện vận hành xác định”, TS. Nguyễn Xuân Tiên giải thích. Thông thường, năng suất lạnh nhà sản xuất đưa ra ở điều kiện nhiệt độ trong nhà 24oC, và nhiệt độ ngoài trời là khoảng 32oC -35oC.

Năng suất lạnh của máy phụ thuộc điều kiện vận hành theo nguyên tắc: “Nhiệt độ ngoài trời càng cao thì năng suất làm lạnh càng giảm, nhiệt trong nhà càng thấp thì năng suất lạnh cũng càng giảm, đồng thời tiêu thụ điện tăng lên”.

TS. Nguyễn Xuân Tiên cho biết điều hòa bình thường hoạt động theo chế độ đóng ngắt máy nén lạnh để duy trì ổn định nhiệt độ trong nhà. Còn đối với điều hòa biến tần, bản chất là sử dụng bộ điều tần để thay đổi tần số dòng điện nhằm kiểm soát số vòng quay của máy nén lạnh và do đó, kiểm soát được năng suất của máy mà không cần đóng ngắt, khởi động lại máy nén lạnh – một quá trình làm tăng tiêu tốn điện năng.

Cụ thể, khi được bật lên, máy nén của điều hòa biến tần bắt đầu chạy thật chậm và điều này giúp làm giảm lượng điện tiêu thụ trong quá trình hoạt động ban đầu này. Tốc độ vòng quay của máy nén tăng lên cho đến khi đạt đến nhiệt độ trong phòng mong muốn và duy trì ở tốc độ đó để duy trì nhiệt độ trong phòng ổn định. Với điều hòa thông thường, máy nén sẽ luôn chạy ở tốc độ không đổi cho đến khi nhiệt độ trong phòng thấp hơn nhiệt độ mong muốn truớc khi tự động dừng hẳn máy nén. Máy nén sẽ khởi động chạy tiếp khi nhiệt độ phòng tăng lên lớn hơn nhiệt độ mong muốn. Do đó, máy nén của máy điều hoà thuờng phải khởi động chạy – dừng liên tục để ổn định nhiệt độ, còn máy nén điều hòa biến tần chạy liên tục ở tốc độ thấp hơn, duy trì ổn định nhiệt độ trong phòng tốt hơn, tiết kiệm điện hơn trong quá trình khởi động – dừng.

“Điều hòa biến tần chỉ thực sự tiết kiệm điện, khoảng 10%-20%, khi chạy liên tục và điều kiện nhiệt độ ngoài trời không quá nóng như thế này [tầm 38 oC trở lên –PV]”, TS. Nguyễn Xuân Tiên nói. “Nếu nhiệt độ môi trường bên ngoài quá cao, máy sẽ phải chạy liên tục ở 100% năng suất thì máy điều hoà biến tần không tiết kiệm điện so với máy không biến tần. Nói cách khác, khi phải chạy cao tải, điều hòa biến tần không có tác dụng tiết kiệm điện, thậm chí còn tốn điện hơn do phải tốn điện cho bộ chuyển mạch biến tần“.

Về những phản ánh điều hòa inverter chạy êm hơn, lạnh sâu hơn và tiết kiệm điện như nói ở trên, TS. Nguyễn Xuân Tiên cho rằng đó có thể không phải do điều hòa biến tần mà bản thân điều hòa của những hãng nổi tiếng như Daikin, Mitsubishi… đã có tiếng về tiết kiệm điện, chạy êm rồi. Ông khẳng định lại lần nữa, điều hòa biến tần chạy không liên tục, một vài tiếng mỗi ngày, và điều kiện nhiệt độ bên ngoài quá nóng thì chắc chắn không thể tiết kiệm điện.

“Chỉ những công sở, nhà hàng, khách sạn sử dụng hệ thống điều hoà biến tần – tức nhiều thiết bị điện trong đó có điều hòa đều tích hợp công nghệ biến tần – hoạt động liên tục thì mới tiết kiệm điện đáng kể”,TS. Nguyễn Xuân Tiên nói.

Những ai nên mua điều hòa inverter?

159530

Điều hòa biến tần hiện nay đắt hơn so với điều hòa không biến tần từ 2-3,5 triệu đồng. Chưa kể chi phí lắp đặt, thay gas tốn kém hơn. Bên cạnh đó, điều hòa biến tần của các hãng khác nhau cũng có mức chênh lệch giá đáng kể.

Hiện điều hòa biến tần của Daikin được nhiều người bán hàng, thợ sửa chữa khuyến nghị dùng nhất và giá cũng có thể nói là đắt nhất vì sản phẩm điều hòa nổi tiếng của Nhật Bản này được sản xuất tại Thái Lan – một xuất xứ được người tiêu dùng ưa chuộng và tin cậy hơn so với xuất xứ từ Trung Quốc. Các thương hiệu điều hòa của Nhật Bản khác như Hitachi, Sharp, Panasonic, Fujitsu giá cũng thuộc dòng sản phẩm cao cấp. Điều hòa Samsung, LG cũng phổ biến bởi giá cả bình dân hơn.

Với những phân tích ở trên về điều hòa biến tần, TS. Nguyễn Xuân Tiên không trả lời thẳng câu hỏi “Có nên mua điều hòa inverter hay không?” mà thay vào đó, theo ông câu hỏi nên là “Những ai mua điều hòa biến tần thì phù hợp?”.

Do điều hòa biến tần đắt tiền hơn so với điều hòa thông thường nên phải nói rằng trước hết nó phù hợp với những gia đình dư giả hơn. Còn với những ai cho rằng cố chi một số tiền lớn ban đầu mua điều hòa biến tần để hưởng thụ việc tiết kiệm hóa đơn điện hàng tháng trong chục năm trời cũng đáng thì nên nghĩ lại.

Đúng là điều hòa biến tần tiết kiệm điện, nhưng nó phải ở trong điều kiện sử dụng liên tục và không chạy quá tải (nhiệt độ ngoài trời không quá nóng, nhiệt độ trong nhà đặt không quá thấp).

Cho nên, nếu gia đình bạn sử dụng điều hòa chỉ vào những ngày nắng nóng hoặc vào những thời điểm nhất định trong ngày như buổi tối thì với điều hòa thông thường và biết cách sử dụng thì cũng có thể tiết kiệm điện.

Về thắc mắc của người dùng đối với phòng chuẩn để điều hòa biến tần có thể tiết kiệm điện, có thể nói nếu phòng không kín, cách nhiệt không tốt, cửa ra vào mở đóng nhiều thì dù dùng điều hòa biến tần hay không biến tần cũng không thể tiết kiệm điện.

Cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện là rất đơn giản: Nên đặt dàn nóng (dàn bên ngoài) ở nơi thoáng mát. Vệ sinh, rửa dàn ống, cánh quạt dàn nóng; vệ sinh bộ lọc khí, dàn ống dàn lạnh ít nhất 6 tháng/lần hoặc vào đầu mùa nóng. Khi vận hành nên cài đặt nhiệt độ trong phòng khoảng 26-28 oC, chỉ đủ để cảm thấy mát và dễ chịu. Không nên đặt nhiệt độ cho máy quá thấp. Nếu máy chạy lâu mà không thấy mát thì cần gọi kỹ thuật viên để kiểm tra, bảo duỡng máy.

Một sai lầm người sử dụng điều hòa thường mắc phải là khi bật điều hòa, người dùng thường đặt nhiệt độ ngay ở mức thấp nhất 16 oC để làm phòng mát nhanh. Thực tế, công suất của máy lạnh có giới hạn, khi trong phòng không đủ mát tức là máy lạnh không đủ sức làm mát cho phòng, dù cho chọn nhiệt độ 250C hay 160C cũng không thể thay đổi nhiệt độ thực tế.

Tin liên quan